Di sản Anne_Boleyn

Hình tượng trong dân gian

Nữ diễn viên opera Giuditta Pasta thủ vai Anne Boleyn trong vở nhạc kịch nổi tiếng Anna Bolena.

Nicholas Sander, một người Công giáo sinh vào khoảng năm 1530, đã vô cùng muốn phế truất Nữ vương Elizabeth để thiết lập lại Công giáo trên lãnh thổ Anh. Và trong cuốn De Origine ac Progressu schismatis Anglicani của mình, ông đã miêu tả Anne Boleyn có 6 ngón tay, trở thành tài liệu xưa nhất mô tả Anne với hình dạng này, đây được xem là một dạng ác quỷ hóa Anne vào thời kỳ ấy, do hình tượng nhân dạng học cho rằng có 6 ngón tay tương đương với quỷ dữ[90]. Tuy nhiên, khi cuộc khám nghiệm diễn ra năm 1876, thân thể thật của Anne Boleyn không có bất kỳ dị dạng nào, và được xác nhận là tao nhã, với ngón tay thanh thoát[91].

Trong khi đó, Anne Boleyn được mô tả trong các tư liệu đương thời với dung mạo xinh đẹp, thông minh và có khiếu về nghệ thuật. Bà cũng được thuật lại là có tính cách rất cứng đầu, thường xuyên tranh cãi với Vua Henry trong nhiều phương diện[92]. Nhà sử học Eric Ives đánh giá sự phức tạp trong tính cách của Anne Boleyn như sau:

Đối với chúng tôi, [Anne] có tính cách khá mâu thuẫn. Sùng đạo nhưng dữ dội, tính toán nhưng lại giàu tình cảm, có sự mềm dẻo của một quan thần nhưng cũng có sự cứng rắn của một chính trị gia. Nhưng đó là bản thân bà, hoặc ít nhất là những gì bà thể hiện thông qua những chứng cứ còn sót lại? Những gì bên trong thực sự của bà, những gì bà nghĩ và tư duy, chúng ta vĩnh viễn không bao giờ có thể biết rõ.

Dù sao đi nữa thì, những gì trải qua hơn trăm năm và hiện diện trước chúng ta là một người phụ nữ có sức quyến rũ lạ kỳ cho những người ở thế kỉ 21 như chúng ta: Một người phụ nữ tự cường tự lập, với những mối quan hệ ngoại giao độc lập trong thế giới của đám đàn ông. Một người phụ nữ vận dụng học thức, phong thái và vẻ đẹp của mình để biến sự bất lợi về giới tính trở thành điểm lợi hợi nhất. Với chỉ dáng vẻ yêu kiều của mình, bà đã khiến một triều đại và một vị vua bước vào cơn bão xoáy dữ dội. Và có lẽ cuối cùng, sự nhìn nhận của Thomas Cromwell đã nói đúng nhất về bà: thông minh, nghị lực và quả cảm.

— Nhận xét của Eric Ives về Anne Boleyn[93]

Sau khi con gái bà là Elizabeth trở thành Nữ vương, Anne Boleyn sau đó được kính trọng như một người tử vì đạo, trở thành nữ anh hùng trong Cuộc cải cách Anh. Đặc biệt nhất, qua đánh giá của John Foxe, Anne Boleyn đã cứu nước Anh khỏi những lũ ác quỷ từ Giáo hội Công giáo La Mã, và Chúa đã chứng minh sự vô tội của bà bằng việc để Elizabeth trở thành Nữ vương của nước Anh. Một ví dụ cho thấy Anne Boleyn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự cải cách tôn giáo ở Anh, là Alexander Ales mô tả Nữ vương Elizabeth như "Những Giám mục phái Phúc Âm, tôn thờ Thánh mẫu thiên liêng được bổ nhiệm từ những học giả tinh khuyết nhất của chủ nghĩa học thuyết"[94].

Truyền thuyết cũng lan truyền rất nhiều tin đồn về Anne Boleyn sau khi bà qua đời. Nổi tiếng nhất phải kể đến lời đồn bà được chôn cất ở Nhà thờ Salle tại Norfolk, ngay dưới phiến đá vốn là mộ của tổ tiên bà. Cơ thể của bà sau khi bị chém đầu, được đồn là đã đưa tới một nhà thờ nhỏ tại Essex, khi người ta đang bí mật đưa xác bà đến Norfolk. Có tin đồn khác rằng, quả tim của bà, theo như thỉnh cầu trước khi chết, được chôn ở Erwarton, Suffolk bởi người họ hàng, Sir Philip Parker. Tại Sicily vào thế kỉ 18, người dân tin rằng Anne Boleyn vì đã biến Henry VIII thành kẻ dị giáo, đã bị kết án thiêu sống vĩnh viễn trong Núi Etna. Đây cũng là một câu chuyện thu hút du khách hiện đại. Bên cạnh đó, vô số người tin Anne Boleyn đã trở thành ma không đầu tại Lâu đài Hever, Blickling Hall, Nhà thờ Salle, Tháp London,... Việc bà hiện hồn nổi tiếng nhất là thông qua câu chuyện của nhà ngoại cảm Hans Holzer. Năm 1864, khi tham quan Tháp London, Hans Holzer trông ra cửa sổ, chỗ phòng giam của Anne Boleyn khi xưa có một người lính hành vi kì lạ. Và Holzer đã trông thấy một bóng mờ trắng trườn tới chỗ người lính gác, chỉ khi người lính chọt lưỡi lê lên thì ngất xỉu.

Văn hóa đại chúng

Nữ diễn viên Geneviève Bujold trong phim Anne of the Thousand Days.

Qua nhiều thế kỉ, Anne Boleyn là nguồn cảm hứng trong nghệ thuật như phim ảnh, tranh ảnhtiểu thuyết. Hình ảnh điển hình của Anne Boleyn vào thế kỉ 18thế kỉ 19, cho thấy Anne là một người thông minh, nhân hậu, sau bị chính người chồng là Henry VIII hủy hoại và kết thúc trong bi kịch. Một nghiên cứu hàn lâm của Elizabeth Benger về Anne Boleyn cho thấy bà là một người phụ nữ đáng tán dương, theo đó một loạt các nhà văn và tiểu thuyết gia cũng lý tưởng hóa Anne, như Maxwell Anderson, Jane Austen, Agnes Strickland và Jean Plaidy. Bộ phim từng được đề cử và thắng giải Oscar, Anne of the Thousand Days, đã dựa vào những lý tưởng này về Anne để xây dựng nên bà.

Sang nửa thế kỉ 20, Anne Boleyn lại được nhận xét là tham vọng và thủ đoạn, có vai trò chủ động trong việc can dự triều đình của Vua Henry VIII. Chính những phát hiện này đã khiến việc nghiên cứu lại cuộc đời Anne Boleyn diễn ra, đáng kể nhất là hai công trình nghiên cứu toàn diện của nhà sử học người Anh là Eric Ives. Thứ đến là các công trình nghiên cứu về Anne của David Starkey, phương diện của Starkey lại tập trung về sự ảnh hưởng của Anne đến cuộc Cải cách tôn giáo ở Anh vào thời điểm đó, chỉ ra bà đã có vị trí quan trọng và là một nhà bảo trợ cho luồng tư tưởng tôn giáo mới vào lúc ấy tại Anh. Cả hai đều cho rằng, những tư tưởng cá nhân của Anne đã xung khắc với Cromwell, dẫn đến việc bà bị hạ bệ và xử tử, chứ không đơn giản chỉ vì không sinh ra được người thừa kế cho Henry VIII. Qua những nghiên cứu này, sự tôn trọng dành cho Anne Boleyn trở nên lớn hơn, dù đã không còn nhiều cái nhìn màu hồng, cho rằng Anne là một người ngây thơ trong bi kịch nữa. Những sử gia hoặc nhà báo như John Guy và Diarmaid MacCulloch dành cho bà sự tôn trọng đáng kể. Sau đó, nhiều tiểu thuyết hay nghiên cứu về sau có xu hướng khắc họa Anne có phần phản diện, như tiểu thuyết bán chạy The Other Boleyn Girl của Philippa Gregory, Doomed Queen Anne của Carolyn Meyer hay loạt Wolf Hall của Hilary Mantel... Đặc biệt nhất là nhà sử học Anh là Alison Weir, qua những nghiên cứu và bằng chứng, cho thấy Anne Boleyn đơn thuần là tham vọng và gánh hậu quả xứng đáng.

Nhiều nữ diễn viên nổi tiếng thế giới từng diễn Anne Boleyn, như Geneviève Bujold trong Anne of the Thousand Days, sau đó bà đã giành một Giải Quả cầu vàng và một đề cử cho giải Oscar cho vai diễn xuất thần này. Tiếp đó, Dame Dorothy Tutin trong The Six Wives of Henry VIII, Charlotte Rampling trong Henry VIII and His Six Wives, Vanessa Redgrave trong A Man for All Seasons, Helena Bonham Carter trong Henry VIII, Natalie Dormer trong The Tudors, Natalie Portman trong The Other Boleyn Girl và gần đây trên màn ảnh xuất hiện Claire Foy trong bộ phim Wolf Hall,... đều thể hiện những khía cạnh và tính cách khác nhau của Anne Boleyn. Trên phương diện sân khấu, không ít vở opera sáng tác dựa trên cuộc đời Anne Boleyn, được nhiều nữ diễn viên nổi tiếng thể hiện, như Clara Kimball Young, Merle Oberon, Dame Joan Sutherland. Như vở kịch The Winter's Tale của William Shakespeare được tin là lấy cảm hứng từ cuộc đời của Anne Boleyn. Ngoài ra, vở nhạc kịch opera nổi tiếng mang tên Anna Bolena cũng lấy cảm hứng từ cuộc đời bà.

Những bài hát cận hiện đại cũng lấy cảm hứng hình ảnh từ Anne Boleyn. Bài hát rùng rợn hài hước With Her Head Tucked Underneath Her Arm do Stanley Holloway trình bày, dựa vào thích hiện tượng lời đồn hồn ma Anne Boleyn ám Tháp London, hồn ma Anne luôn tìm cách trả thù Henry VIII. Nhạc sĩ người Anh là Rick Wakeman cũng làm hẳn một album mang tên The Six Wives of Henry VIII, phần nhạc thứ 5 mang tên bà. Nghệ sĩ nổi tiếng Cat Stevens cũng có một bài hát tên "Ghost Town" trong album năm 1974 là Buddha and the Chocolate Box,....

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Anne_Boleyn http://www.anne-boleyn.com/ http://www.elfinspell.com/Boleynstyle.html http://www.historyofroyalwomen.com/anne-boleyn/ann... http://www.historytoday.com/susan-walters-schmid/h... http://bobmeades.pages.qpg.com/id29.html http://www.theanneboleynfiles.com/ http://misadventuresofmoppet.wordpress.com/2009/11... http://www.nellgavin.net/boleyn_links/boleynhandwr... http://www.poetry-online.org/boleyn_anne_o_death_r... http://www.worldcat.org/oclc/71370718&referer=brie...